Để tỏ lòng kính lễ Thánh Chân, tín đồ Đạo giáo thường dâng các thức cúng phẩm trên án thờ. Thông thường, đó là các thức hương (nhang đốt), đăng (đèn dầu, nến), hoa (các loại hoa tươi), thủy (nước sạch, trà) và quả (trái cây). Quả thực, Đại Đạo cùng chư thần chư thánh chẳng khi đâu hưởng dùng những thức cúng phẩm này của người trần thế. Bởi lẽ, trên nơi thiên giới, nào thiếu thốn chi những thức danh hương, diệu hoa, trân quả đâu? Nhưng các Đấng sẽ vui lòng chứng nhận lấy lòng thành của Đạo chúng mà thôi!
Như vậy, trước hết phải biết việc ta dâng các thức cúng phẩm trên án thờ không phải để Thánh Chân hưởng dùng, nhưng là tỏ lòng thờ kính, tôn phụng và cầu mong kết duyên. Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu về ý nghĩa của việc cung dưỡng quả.
1, Ý nghĩa thực sự của việc cung dưỡng quả
Thông thường, khi dâng cúng các thức trái cây dù là cho tổ tiên hay thần thánh, người ta thường nhằm bày tỏ lòng thành kính của mình, đồng thời ngầm định: thần thánh và nhất là tiên tổ sẽ hưởng dùng các thức này.
Đạo giáo nghĩ sao?
Đạo sĩ Lữ Thái Cổ trong “Đạo môn thông giáo tất dụng tập” dạy (1):
果因花結,當資種植之功.心靜道生,必假栽培之力.故有:蟠桃紫捺,火棗交棃,近取於身,逺取於物.儻心田之瑩潔,則果實繁榮,或荆𣗥之叢生,則根苗枯槁.色如橘而甜如蜜,成有歳而熟有時.有三千載而結成,有頃刻間而頓熟.咀嚼而精神爽快,玩味而性識清通.若結果而收因,當去華而務實.宜於此際方寸,了然憑此讃揚.廣伸供養.
Như vậy, việc tiến dâng các thức quả trên án thờ âu cũng chỉ là phương tiện để biểu trưng cho “quả” trong lòng ta mà thôi. Tâm ta như mảnh ruộng, mỗi ngày lao tác hầu vun trồng các thức, nếu ruộng tốt giống tốt, tức cuộc sống tu trì tinh tiến thuần thục, liền kết quả đẹp quả xinh, tức chính muôn việc thiện việc phúc vậy. Như thế, mỗi khi bày biện quả cây trên án thờ Đại Đạo, Đạo chúng phải ý thức rằng, đó là ta đang dâng các điều lành mình làm trong mỗi ngày mà kính lễ vậy.
Thiên tôn viết: Phàm kẻ muốn tu đạo, kiến lập công đức phải làm trước vậy.(2)
Từng việc lành, từng điều thiện ta làm cho những người xung quanh, cho dù nhỏ nhoi nhất, đều là nấc thang giúp ta khứ trừ tục lụy, ngày một tiến bộ trên đường tới nơi Đại La mà triều Thánh vậy.
Và thật đáng mỉa mai thay, khi ta lòng đầy ác độc, những hiểm cùng mưu, lại đưa tay ra biện bày quả cúng. Vậy ta đang dâng gì lên Đấng Chí Tôn cùng Chúng Thánh đây? Cụi mục hay quả thối?
Kẻ tín Đạo hãy lấy đây mà dè chừng! Thận chi! Thận chi!
2, Một số lưu ý khi cung dưỡng quả“Đạo pháp hội nguyên”(3) dạy chúng ta đôi điểm về các lưu ý trong việc dâng quả cúng phẩm thần linh.
a, Tu dụng thời tân
Khi cúng quả, trước hết nên cúng các thức quả tươi mới , tránh quả hư thối, dập nát vậy. Đặc biệt, nên ưu tiên các thức quả mới mẻ và điển hình tùy theo mùa. Đây thể hiện ý nghĩa, dâng kính thần linh các thức quả đầu mùa hầu tỏ ý hiếu thảo, kính trọng.
b, Nhưng tu viên giả bất đắc tiệt phá – Nên cúng nguyên vẹn, chẳng bổ ra
Khi cúng quả tránh việc bổ quả ra nhiều phần mà ưu tiên cúng quả còn nguyên vẹn hình vậy. Điều này thể hiện việc hiến trọn phẩm lễ. Bên cạnh đó, khi bổ xẻ quả ra dễ làm thu hút côn trùng bất tịnh, làm mất đi sự trang nghiêm.
Bên cạnh đó, cũng có một số quy định khác như
- Không dâng cúng các thức quả như: Lựu, ổi, chuối hồng, củ đậu (miền Nam gọi là của sắn), mận (Hà Nội), lê (một số truyền thống không kỵ)…
- Quả nên dâng số lẻ, tức là: Số loại quả dâng là số lẻ, số đĩa đựng quả là số lẻ và số quả trên đĩa cũng là số lẻ vậy.
- Không nên dâng quả quá lớn.
- Không nên dâng quả quá thơm, nhiễu thần trí.
Thần hy quân
----------
(1): Lữ Thái Cổ - Đạo sĩ thời Nam Tống, hiệu Hạc Lâm Đạo Nhân. Đệ tử của tác giả cuốn "Đạo môn định chế", Lữ Nguyên Tố đại sư.
(2): Trích "Hư Hoàng tứ thập cửu chương kinh".
(3): Đạo pháp hội nguyên, phỏng xuất hiện từ cuối Nguyên đầu Minh. Nội dung đa dạng khía cạnh như Lôi pháp, Luyện độ, Chương tấu, Phù lục... Sách có nhiều chú giải, chỉ dẫn trong nhiều khía cạnh của Đạo giáo, thường xuyên được trích dẫn.
0 Nhận xét