LƯU HẢI THIỀM TỔ SƯ
Thiềm Thừ, cóc ngậm vàng hay cóc ba chân từ lâu đã là một vật bày trí phong
thủy quen thuộc trong nhà của người dân ta. Trước tiên ta sẽ biết rằng đó là một
vật phẩm phong thủy giúp mang đến tài lộc, ai tỏ tường tìm hiểu hơn một ít thì
lại nghe câu chuyện về sự tích của chú cóc này “ Lưu Hải hí Kim Thiềm”. Không
tiện kể rõ chi tiết, qua loa mà kể lại thì tích viết rằng Thiềm Thừ là một yêu
tinh ngàn năm, được ông Lưu Hải – đệ tử của Lã Động Tân- thu phục.
Chẳng biết vị trên truyện ấy có phải là tổ sư đời thứ tư của Toàn Chân Đạo
không, nhưng đệ tứ tổ Toàn Chân Đạo, danh viết Lưu Hải, húy Thao, tự Tông
Thành, hiệu Hải Thiềm Công, đời sau gọi xưng là Lưu Hải Thiềm Tổ Sư. Ngài cũng
có một cố sự mà người đời nhắc đến, đệ tử mấy mươi đời lấy đó mà ngộ được một phần
của lẽ tu chân – Lưu Tổ độ Thiềm Thừ- nhưng có vẻ hơi khác với những gì mà nhân
gian hay truyền tụng. Đây là sự việc diễn ra sau khi Lưu tổ đắc Đạo, như một lời
nhắc nhở đời sau về tham phú nơi thế gian.
Chuyện rằng, khi một người đắc Đạo, hết thảy liệt đại tông thân đều sẽ nhờ
công đức ấy mà thoát khỏi địa ngục. Khi Hải Thiềm tổ sư đắc Đạo, cũng nhận được
điềm lành này nhưng ngài nhìn đi nhìn lại, vẫn thiếu một người chú. Sau mới biết
rằng người chú này vì tội nghiệp sâu dày nên vẫn đang trầm luân nơi biển Bắc.
Đoạn, Lưu tổ làm rõ sự tình, được sự khai thị của điện chủ, Lưu tổ tiếp dẫn chú
mình đến Đông nhạc thì mới độ thoát được địa ngục. Khi vừa ra khỏi biển Bắc, người
chú vốn đang mang dáng người nhưng vì tội nghiệp chất chồng, tức thì hóa hình cóc
ghẻ. Đã vậy còn không vẹn hình, mà chỉ có ba chân, ngày nay gọi là Thiềm Thừ.
Trên đường từ biển Bắc đến Đông nhạc, đi qua nhân thế, thấy cảnh phù hoa, cóc ấy
lại nổi lòng tham, tức khắc chịu nghiệp báo, những đồng tiền từ trong miệng
tuôn ra không ngừng. Sinh thời, hám phù hoa mà gieo nghiệp, khi chết không mang
theo được gì còn trầm luân địa ngục để chịu nhân quả báo ứng, đến khi thành
hình súc sinh vẫn không biết quay đầu hối cải, kẻ yêu tiền như mạng lại chịu nỗi
thống khổ tiền đồng cứa dọc yết hầu. Thể xác và tâm trí đều chịu đau khổ, đả
kích không thôi. Trước khi đắc Đạo, Lưu tổ cũng đã sớm ngộ ra cái lẽ hư vinh,
phù phiếm nơi thế gian. Giả điên mà mặc đời.
Lưu Hải Thiềm Tổ Sư là người Yên Sơn – Bắc Kinh ngày nay. Năm 17 tuổi, tổ
thi đỗ Giáp khoa, quan lộ hiển đạt, thăng đến chức Thượng tướng trở thành người
chỉ dưới quyền của vua lúc bấy giờ. Tuy ngài tinh thông nho quan, quan trường
hiển đạt nhưng lại hiếu bàn Chân Đạo. Thường xuyên có các Đạo sĩ, tán nhân qua
lại viện phủ mà bàn luận Đạo pháp cùng ngài.
Đến một hôm, có Đạo nhân hiệu Vân Phòng đến tá túc, Lưu gia tiếp đón nồng hậu, lại bỏ thời gian để ngồi lại và đàm đạo cùng. Bỗng Vân Phòng tử yêu cầu Lưu gia mang đến cho ông mười quả trứng và mười đồng xu. Đoạn, y lần lượt xếp chồng xu và trứng lên nhau thành một cột. Thấy vậy, Lưu gia hoảng hốt mà kêu “nguy hiểm”. Vân Phòng tử bèn nói: “ ông cũng biết như vậy là nguy hiểm sao? Gia tộc ông cũng đang trong hoàn cảnh này vậy”. Sau đó, Vân Phòng cẩn thận gỡ trứng xuống đặt lên bàn rồi bẻ đôi các đồng xu mà ném ra ngoài sân. Đêm hôm đó, Lưu gia nghĩ đi nghĩ lại về dụ ngôn này trong lòng. Tới sáng ngài quyết tâm mang ấn, mũ trả lại cho triều đình mà từ quan. Đến nhà, vợ con hay tin thì khinh chê hắt hủi. Nhưng tổ không quan tâm, giả thành kẻ điên, dùng vẻ ngoài lôi thôi tệ hại mà ngao du khắp nơi như dạng thất cái. Sau lại ẩn cư ở núi Chung Nam được Lữ Động Tân tổ sư truyền thụ đan pháp, nhờ đó mà tu chứng huyền công. Lưu tổ thần hóa đa đoan, tế dân cứu khổ vô số.
Ngẫm ngợi một chút về câu chuyện đồng xu và quả trứng. Nếu phải xếp mười quả trứng thẳng đứng lên nhau thì có được không? Không, tất nhiên. Nhưng ở mỗi quả trứng ta lại xếp một đồng xu, chẳng mấy chốc là lại xếp được cả mười quả. Nhưng khổ nỗi thay, cách xếp này không thể giúp mười quả trứng ấy đứng một cách vững vàng. Nó có thể ngã đổ bất cứ lúc nào, hậu quả tất yếu là sẽ bể vài quả trứng hoặc vỡ tất cả nếu kém may mắn. Thực tế một chút, nếu quả trứng tượng trưng cho tính mệnh của con người, đồng xu lại tượng trưng cho tất cả các phù vinh nơi nhân thế. Khởi đầu là một quả trứng, nhưng ta thích sự ngưỡng mộ của kẻ khác, thích những điều trào phúng của thế gian, nó thúc đẩy ta cố gắng đi lên một điểm cao hơn, ta chồng thêm một quả trứng khác lên mình. Ta cứ cố gắng, càng cao, càng tốt. Ta vịn vào những giá trị giả tạm, những giá trị mà ta không thể hoàn toàn kiểm soát được sự còn mất, thật ảo. Để rồi một ngày, những đồng xu không còn, điểm tựa đã mất, trứng kia sẽ vỡ, vậy tính mệnh ta phải chăng sẽ nguy hại hay như quả trứng kia?
Nhiều khi ta lầm tưởng khi không bám víu vào điều gì thì ta được tự
do.Nhưng thực tế giữa muôn sóng gió của cuộc đời, trước bao cơn cuồng phong của
thế sự nếu như không có chỗ để bám víu, neo đậu, phải chăng ta sẽ cứ trôi dạt
và lênh đênh mãi? Như thế không phải là tự do mà là trầm luân phiêu lãng. Đứng
trước nguy cơ này ta phải biết neo đậu vào một bến bờ kiên cố, không bao giờ bị
phá hoại, không bao giờ “bỏ ta”. Như thế, chỉ khi an trú trong Đại Đạo và coi
ngài là nơi duy nhất ta có thể nương tựa, neo đậu vào, ta mới có được tự do,
khoái lạc.
Trương Tam Phong viết:
Vô căn thụ, hoa chính khai
Tham luyến vinh hoa, thùy khẳng hưu?
Phù sinh sự, khổ hải chu
Đãng khứ phiêu lai bất tự do!
Vô biên vô ngạn nan bạc hệ
Thường tại ngư long, hiểm xứ du
Khẳng hồi đầu, thị ngạn đầu
Mạc đãi phong ba, hoại liễu chu.
- Dị Lâm tán nhân -
0 Nhận xét