LẬP GIÁO THẬP NGŨ LUẬN CHƯƠNG 4

  TRÙNG DƯƠNG LẬP GIÁO THẬP NGŨ LUẬN

- VƯƠNG TRÙNG DƯƠNG TỔ SƯ -

CHƯƠNG 4: HỢP DƯỢC - 合藥

- Bản văn -

Nguyên văn: 

第四論合藥

1, 藥者乃山川之秀氣,草木之精華。
2, 一溫一寒,可補可瀉;一厚一薄,可表可托。肯精學者,活人之性命;若庸醫者,損人之形體。
3, 學道之人,不可不通。若不通者,無以助道。
4, 不可執著,則有損於陰功。外貪財貨,內費修真。不足今生招愆,切忌來生之報。
5, 吾門高弟,仔細參詳。





Tranh: Tây Vương Mẫu



Phiên âm: 

1, Dược giả nãi sơn xuyên chi tú khí, thảo mộc chi tinh hoa.
2, Nhất ôn nhất hàn, khả bổ khả tả; nhất hậu nhất bạc, khả biểu khả thác. Khẳng tinh học giả, hoạt nhân chi tính mệnh; nhược dong y giả, tổn nhân chi hình thể.
3, Học Đạo chi nhân, bất khả bất thông. Nhược bất thông giả, vô dĩ trợ Đạo
4, Bất khả chấp trước, tắc hữu tổn vu âm công. Ngoại tham tài hóa, nội phí tu chân. Bất túc kim sinh chiêu khiên, thiết kỵ lai sinh chi báo.
5. Ngô môn cao đồ, tử tế tham tường!

Diễn xuôi:

1, Thuốc ấy, mang lấy tú khí của sông núi, là tinh hoa của muôn giống thảo mộc.
2, Thuốc đó, tính nóng tính lạnh, có thể bổ dưỡng thân thể suy hao cũng có thể tả trừ tà khí. Vị đậm vị nhạt, có thể quy dược tính vào tạng phủ bên trong hay tuyên phát ra ngũ thể bên ngoài.

Nếu cẩn thận mà học hành, có thể cứu được mạng sống sinh dân. Nếu ngu mờ mà đem ra thực hành, thì chỉ tổn hại đến người khác.
3, Người học đại đạo không thể không biết. Nếu như không biết thì quả thực không có gì trợ đạo!
4, (Tuy nhiên), cũng chớ chấp trước vào y Đạo; tham lam tiền bạc phù phiếm mà quên đi cả lẽ tu hành. Ấy vậy, không hành đủ đầy đạo nghĩa y gia thì lại sinh ra tội lỗi, chuốc lấy báo ứng sau này.
5, Đệ tử nhà ta, hãy cẩn thận xem xét.

 

Tranh: Thiên Hoàng Đại Đế 

Mạn đàm

Sở học Đan công của Toàn Chân, bảy đám phần là tương đồng với Y gia. Vì thế, muốn thâm nhập Toàn Chân tất yếu phải hiểu biết tương đối khái quát về Y đạo. Một mặt để mãi nghệ thí công cứu người, một mặt để trợ cho Mệnh công ( Đan pháp).

“ Dùng thuốc chữa bệnh cũng giống như tu tập độ mình, độ người”

Dược liệu theo Y học cổ truyền có nhiều tính chất, nhưng trong chương này, Vương Trùng Dương tổ sư đề đến bốn tính chất: Hàn – Nhiệt, Bổ - Tả, mùi vị và quy kinh – thể.

Bệnh phân Hàn – Nhiệt, thuốc phải lấy Ấm - Mát mà trị. Như thể người kia cảm phải phong hàn, tất nhiên chẳng được dùng các thuốc có tính lạnh mà dẫn cho tà khí thâm nhập sâu thêm. Phải dùng đến những thuốc tính ấm, nóng hầu khắc chế Hàn tà vậy!

Bênh phân Hư – Thực, tùy vào tình trạng mà dùng phép Bổ hay Tả. Ví như một người suy yếu sau thời gian bệnh nặng há lại dám dùng các thuốc có tính công phá mạnh như Đại Hoàng, Ba Đậu (vốn có tính tả hạ tà khí nội độc rất mạnh). Với người tay, ta phải dùng các thuốc bổ dưỡng hầu khôi phục lại chính khí đã bị suy hao. Nhân Sâm, Thục Địa, Hoài Sơn, Đương Quy … hay được dùng để bổ vậy.

Mỗi bệnh lại có một vị trí khác nhau. Lúc thì ở sâu trong tạng phủ: Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận, Tâm bào, Tam tiêu, Tiểu trường, Đại trường, Bàng quang, Đởm, Vị; lúc thì ở vào ngũ thể Da lông, Cơ nhục, Cân cơ, Huyết mạch, Xương khớp. Vì tổn thương khác nhau về vị trí nên phải dùng các thuốc vị dày hay mỏng khác nhau, quy vào Kinh mạch khác nhau hầu đạt được mục đích điều trị. Ví như người kia vị tiêu chảy do ăn phải của sống lạnh hư tanh, hàn khí thừa cơ xâm nhập trung tiêu (Tỳ Vị) mà gây ra. Không chỉ dùng loại có tính ấm nóng khu hàn, ta cần phải chọn thuốc có khả năng quy vào vùng trung tiêu (bụng dạ). Giả như mà lại dùng Bách Bộ ( vốn chuyên quy kinh phế, hóa hàn đàm gây ho) thì sao có thể đuổi Hàn ở trong bụng đây?

Đấy là về dụng dược, nhưng nếu lắng lại mà gẫm, dùng thuốc cũng chả khác tu trì là mấy.

Việc hành trì theo Đạo cũng cần có lúc Nhiệt, lúc Hàn. Nhờ Nhiệt ấy mà ta hăng say theo Đạo, hứng khởi mừng vui mỗi khi tái khám phá một chân lý nào đó về Ngài. Nhờ Hàn, ta có thể tĩnh tại hướng vào sâu thẳm tâm mình mà suy chiêm gẫm nghĩ về Đại Đạo cũng như sự hiện diện của Ngài trong đời sống ta. Một Hàn một Nhiệt, một động một tĩnh. Hai điều này cứ thế đắp đổi mà hòa vào lò luyện đan của đời ta. Nếu ai giữ được sự cân bằng của hai chủng thuốc quý này thì há lại không đắc Kim đan hay sao?

Vậy nên mới nói, kẻ học đạo mà không tường cái lẽ hành y này thì chẳng biết lấy gì mà trợ Đạo!

Tranh: Chung Ly Tổ Sư

Chu Lăng thần hy quân

Đăng nhận xét

0 Nhận xét