Các đặc tính của Pháp Thủy khởi đi từ chính các yếu tính của nước!
Thông thường, ngay sau Khoa Sự Khai Đàn sẽ diễn ra Khoa Sự Thỉnh Thủy. Việc cử hành Thỉnh Thủy Khoa Nghi trong Toàn Chân Long Môn Phái cũng tuân thủ truyền thống này. Để hiểu biết rõ ý nghĩa và đặc tính của nước trong Khoa tiếu, thiết nghĩ cần phân biệt hai khái niệm Pháp Thủy và Thần Thủy. Trong vô số các điển tịch luận bàn về tiếu sự, hai từ Pháp Thủy và Thần Thủy nhiều khi dùng lẫn lộn với nhau, tuy nhiên, không phải lúc nào chúng cũng tường thuật về cùng một hữu thể.
Thỉnh Thủy Khoa Nghi |
Pháp Thủy là một thứ nước đã được Đạo sĩ vận dụng huyền khoa bí pháp mà thâu dẫn chân khí nhập vào, hầu thực hiện một chức năng khoa nghi chuyên biệt nào đó. Thông thường, Pháp thủy được dùng trong dương sự để tẩy uế người, vật và nơi chốn; trong Khoa nghi âm sự, Pháp thủy có hiệu nghiệm siêu tiến vong linh, tùy vào từng cử hành cụ thể. Dù là Dương sự hay Âm sự, Pháp thủy đều có thể sử dụng một tên khác là Cam Lộ Thủy.
Tương truyền, một ngày ở quốc độ kia xuất hiện dị tượng. Khi sáng tinh mơ, người ta để ý trên cành lá có đọng những giọt sương. Kỳ lạ ở chỗ, những giọt sương này kích thước rất lớn mà không hề rơi xuống đất, khi nếm thấy vị ngọt hậu lưu lại. Mang nước này pha trà uống thì hương vị gia tăng, khí cơ thông sướng mà cảm thấy xác hồn đều khoan khoái khác thường. Từ khi dị tượng này xuất hiện, trời mưa thuận gió hòa, đất dưỡng nuôi mùa màng bội thu, chiến tranh loạn lạc dần thoái lui, người người an hòa thái lạc. Từ đó, câu nói Thiên Giáng Cam Lộ biểu thị một điềm may lành lớn lao mà trời cao rủ ban cho một quốc độ nào đó. Đạo giáo, không nằm ngoài mạch chảy văn hóa, vay mượn điển cố “Cam lộ” đồng thời kết hợp với sự hiểu biết về hình ảnh của nước trong các Đạo kinh mà hình thành nên khái niệm Cam Lộ Pháp Thủy.
Thanh Huyền Tế Luyện chép: “Thanh lương pháp thủy hiển tam năng”. Cam Lộ Pháp Thủy có ba đặc tính chính yếu khởi đi từ chính các yếu tính của nước.
Cao công Thần Hóa Pháp Thủy |
Tiên vàn, nước là nhân tố rất quan trọng hình thành và nuôi dưỡng sự sống. Loài người ta cùng muôn chủng sinh vật trên đời này có thể không nhờ nước mà được sống chăng? Nước để tẩm nhuận hình hài, tránh cho táo nhiệt vọng quấy mà hao tổn chân nguyên! Đại Đạo là Mẹ chúng ta, thường dùng dòng nước tươi mát là chính hồng ân của Ngài mà nuôi dưỡng ta. Hồng ân đó là mạch suối dồi dào đã khơi gợi linh hồn ta từ muôn thuở. Không chỉ thế, mạch suối đó lại không ngừng dưỡng nuôi trợ sức cho ta trong cảnh ngu ám triển chuyển. Pháp thủy, là một biểu trưng sống động của hồng ân bởi Trời!
Thứ đến, nước dùng để tẩy rửa. Chẳng kể những nơi khô cằn hoang mạc dân chúng phải dùng cát, nước là lựa chọn ưu việt nhất mà con người sử dụng để làm sạch. Nước vốn thanh sạch nên hòa loãng những cáu bẩn ô nhơ ở nơi hình hài phục sức . Đạo ta vốn thanh sạch thoát trần. Nhưng chẳng chê bỏ thế gian bụi bặm ô nhơ mà sẵn sàng hòa quang đồng trần hầu làm cho chúng sinh muôn vật cũng được trở nên thanh khiết. Nếu như sau khi tẩy rửa người vật, thứ nước thông thường sẽ bị vấy bẩn thì ngược lại, Đại Đạo chẳng vướng một điểm trần ai dù rằng dùng chính Mình mà sái tẩy cả vũ hoàn. Nhờ chính thứ nước cao trọng chẳng bao giờ vẩn đục này, mọi ô nhơ tội lỗi chúng sinh được tẩy xóa, xích thử du thành bị dập tắt, mọi tai ách khiên ương đều được quét sạch.
Nguyên Thủy Thiên Tôn |
Nữa, nước là hình ảnh sống động giúp ta suy tưởng về Đạo. Đạo Đức Kinh, Thượng Thiện Chương chép: “Thượng thiện nhược thủy. Thủy thiện lợi vạn vật nhi bất tranh, xử chúng nhân chi sở ố, cố ki ư Đạo”. Nào có gì thiện lương như nước. Nước giúp cho muôn vật tốt tươi mà chẳng tranh giành; nước ở vào nơi ai ai cũng đều ghét bỏ cho nên gần Đạo hơn thảy vậy! Người ta, có mấy ai là chịu ở vào nơi thấp kém nhất, hèn hạ nhất không? Ấy vậy mà nước cứ vậy chảy xuống, lấp đầy mọi chỗ thấp nhất, không thấp nhất thì chẳng đừng. Nhiều người khi bàn về nước chỉ nhắc đến “nước ở nơi thấp” mà không nhớ rằng nước cũng ở nơi rất cao. Có ai là muốn sống ở nơi cực cao chăng? Nơi đây chẳng có dưỡng khí, cô độc lạnh lẽo. Ấy mà nước kết thành từng tầng tầng lớp lớp độc cư nơi cao tiêu. Nếu không có nước trôi chảy trên nơi cao nhất này, sự sống đâu thể chu lưu thí bố khắp nẻo đất thấp; biển sẽ mãi là biển, sông hồ ao suối sẽ thì ngày một khô cạn, chẳng thể nhuận vật. Vậy nước đó, có lên có xuống, có cao có thấp. Khi cao thì không gì cao bằng, khi thấp thì chẳng chi bì lại. Vì đi đến cực điểm như vậy nên có thể ôm ấp dưỡng nuôi tất cả, chẳng đâu là thoát khỏi cái diệu dụng của nước. Vậy cũng tựa như Thái Cực, như Đại Đạo! (1)
Tóm lại, Pháp thủy biểu thị cho ân sủng của Đại Đạo trên chúng sinh. Khi thi bố pháp thủy trong quá trình tác pháp, ta phải hiểu được đây là một phương tiện hữu vi thể hiện việc Đại tạo không ngừng ban tràn hồng ân trên khắp cõi đất và trải muôn thế hệ.
Chu Lăng thần hy quân
1. Nguy Đại Hữu (Minh). Đạo Đức Chân Kinh Tập Giải chương 13
4 Nhận xét
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaVậy thần thủy và pháp thủy có liên quan với nhau không ạ?
Trả lờiXóaPháp Thủy và Thần Thủy là hai khái niệm khác nhau. Trong khoa nghi thỉnh thủy, Cao công tại giếng ( hoặc suối) thủ lấy nước vào bình, mặc vận dùng lôi lệnh mà họa Lão Long húy trên nước. Khi đó, nước trong bình trở nên Thần Thủy. Trong các khoa nghi khác, ví dụ như đãng uế, Cao công đổ Thần thủy từ bình vào ly đặt trên hương an. Đồng thời, hành pháp hấp thu Tam Quang chính khí cùng Cửu phụng quang hoa tiến nhập để biến Thần Thủy thành Pháp Thủy. Nhờ đó, pháp thủy mới có đủ cả 3 khả năng Đãng Uế, Tứ Phúc, Hướng trở về Đại Đạo.
XóaTuy nhiên pháp thủy sẽ không tồn tại mãi, mà ngay sau khoa nghi, nó sẽ trở lại thành thần thủy mà thôi
Xóa