TRÙNG DƯƠNG LẬP GIÁO THẬP NGŨ LUẬN
- VƯƠNG TRÙNG DƯƠNG TỔ SƯ -
CHƯƠNG 2: VÂN DU - 雲遊
- Bản văn -
Nguyên văn:
1. 凡遊歷之道有二
2. 一者看山水明秀,花木之紅翠。 或玩州府之繁華,或賞寺觀之樓閣,或尋朋友以縱意,或為衣食而留心。 如此之人,雖然萬里之途,勞形費力,遍覓天下之景,心亂氣衰,此乃虛雲遊之人。
3. 二者參尋性命,求問妙玄。 登險之高山,訪名師之不倦;度喧轟之運水,問道無厭。 若一句相投,便有圓光內發。 了生死之大事,作全其之丈夫。 如此之人,乃真雲遊也。
Hán - Việt:
1. Phàm du lịch chi đạo hữu nhị:
2. Nhất giả khán sơn thủy minh tú, hoa mộc chi hồng thúy. Hoặc ngoạn châu phủ chi phồn hoa, hoặc thưởng tự quan chi lâu các, hoặc tầm bằng hữu dĩ túng ý, hoặc vi y thực nhi lưu tâm. Như thử chi nhân, tuy nhiên vạn lí chi đồ, lao hình phí lực, biến mịch thiên hạ chi cảnh, tâm loạn khí suy, thử nãi hư vân du chi nhân.
3. Nhị giả tham tầm tính mệnh, cầu vấn diệu huyền. Đăng hiểm chi cao sơn, phỏng danh sư chi bất quyện; độ huyên oanh chi vận thủy, vấn đạo vô yếm. Nhược nhất cú tương đầu, tiện hữu viên quang nội phát. Liễu sinh tử chi đại sự, tác toàn kỳ chi trượng phu. Như thử chi nhân, nãi chân vân du dã.
Diễn xuôi:
1. Phàm đời này có hai thứ du lịch.
2. Một là đi nhìn xem cảnh non nước cỏ cây tốt tươi, du ngoạn ngắm trông phồn hoa nơi phố thị, chiêm bái đền chùa miếu mạo, hoặc tìm bạn bè thân giao bàn luận, ăn uống. Người như thế, tuy đi khắp muôn dặm cũng chỉ hao tổn sức lực, tâm loạn khí tổn do ngoại cảnh, gọi là Vân du giả vậy.
3. Lại có một hạng người thứ hai, tìm kiếm phép tính mệnh song tu, mong học Đạo màu. (Họ) Không ngại mỏi mệt lên nơi núi cao, bái phỏng chân sư; chẳng nề chèo chống sông sâu nước cả, gặng hỏi Chân thường. Nhờ một câu khai thị mà tính vẹn sáng khởi. Liễu ngộ sinh tử, xứng bậc trượng phu. Vậy mới là vân du thực sự.
- mạn đàm -
Nếu trong chương đầu Vương Trùng Dương Tổ Sư trình bày phép an trú, tì trong chương này, Vương Tổ giới thiệu về một hoạt động quan trọng trong đời sống tu trì: Vân du.
Vân du, một cách thông thường được hiểu là đi ngao du bốn bể chẳng nề hà là sẽ đi đâu gặp ai. Vân du thì phải hoàn toàn thư thái và tự do, chứ không phải nhằm thỏa mãn thú vui thích gì đó. Vương Tổ nói đến hai phép Vân du, một giả một thật.
Phép vân du giả kia, giúp kẻ thi hành thảo mãn trần căn vọng thác mà thôi. Giao lưu luận bàn, chiêm ngưỡng thắng cảnh, ăn uống ... chả phải chỉ là thỏa mãn một cái tôi bó buộc?! Chìm mãi trong những chuyến vân du giả này, tổng lại chỉ khiến sức lực hao tổn, tâm tư điên đảo, chân khí suy hư mà thôi.
Trong khi đó, phép chân vân du là chính việc chẳng sợ khó khăn sông núi mà tầm phỏng chân sư hầu học Đại Đạo. Đây là một truyền thống đẹp đẽ của Đạo giáo, cách riêng trong Toàn Chân Đạo. Khi xưa, sau khi một Đạo nhân học Đạo cùng Độ sư của mình và thụ đắc Quan Căn, tất cả chưa phải là đầy đủ. Y cần phải chuyên cần dùi mài điển tạng, trau dồi thêm vốn Đạo thức để độ kỷ, độ tha. Vị Độ sư có thể rất giỏi về một số môn, tuy nhiên, ngài chẳng thể thông suốt mọi bề trong Đạo. Vì thế, ngài có thể cho phép đồ đệ mình tìm phỏng các vị Đại sư thông thạo pháp môn nào đó, hầu học hỏi trau dồi lẽ Đạo nhiệm màu. Kẻ học Đại Đạo, dù xuất gia hay không, được mời gọi đặt việc truy cầu Đại Đạo làm ưu tiên trong đời sống mình. Vì tin tưởng vào Đại Đạo là khởi thủy và là cùng đích mà muộn chúng sinh hướng về, Đạo nhân hiển nhiên phải mến chuộng Đạo pháp cách khôn xiết. Và theo đó, thay vì chạy theo muôn thói tiêu khiển, y được mời gọi dành ra phần nào đời sống mình cho việc học biết Đạo Đạo!
Câu hỏi suy tư cho những người đang mến-học Đại Đạo:
1. Mỗi ngày, bạn nhớ đến Đại Đạo mấy lần?! Nó thân tình gần gũi, hay chỉ máy móc nơi chót lưỡi đầu môi?!
2. Trong một tuần lễ, bạn dành được mấy tiếng để học tập cách nghiêm túc về Đại Đạo?!
- Chu Lăng thần hy quân -
0 Nhận xét